Giao con cho cha hoặc mẹ nuôi: Tòa án phải căn cứ vào lợi ích của đứa trẻ!
Anh Lê Thanh Sơn và chị Trần Lan Phương lấy nhau, có hai con chung là cháu Hưng (SN 2008) và Ngân (SN 2009). Năm 2016, anh Sơn và chị Phương thuận tình ly hôn. Tòa án chấp nhận sự thỏa thuận của hai người là hai cháu Hưng và Ngân ở với chị Phương. Chị Phương không yêu cầu anh Sơn cấp dưỡng nuôi con.
Năm 2018, anh Sơn nộp đơn đến TAND TP.Quy Nhơn (Bình Định), yêu cầu được nuôi 2 cháu Hưng và Ngân. Nhưng tại phiên tòa, anh thay đổi ý kiến, chỉ đồng ý trực tiếp nuôi cháu Hưng, còn cháu Ngân để chị Phương trực tiếp nuôi.
Trước khi xét xử sơ thẩm, TAND TP.Quy Nhơn có lấy lời khai của cháu Hưng, nhưng cháu Hưng không đồng ý về ở với cha mà mong muốn ở với mẹ cùng em ruột. Khi xét xử sơ thẩm, TAND TP.Quy Nhơn lại không cho cháu Hưng tham gia, với lý do là không cần thiết, nhằm đảm bảo lợi ích cho trẻ em.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP.Quy Nhơn đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu thay đổi nuôi con của anh Sơn. Tuy nhiên, TAND TP.Quy Nhơn vẫn chấp nhận một phần yêu cầu của anh Sơn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và quyết định chị Phương giao cháu Hưng cho anh Sơn trực tiếp nuôi dưỡng, còn chị tiếp tục nuôi cháu Ngân.
Tòa án cấp sơ thẩm cũng quyết định tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con cho các bên, đến khi các bên có yêu cầu. Chị Phương không đồng ý với quyết định của TAND TP.Quy Nhơn, nên đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
TAND TP.Quy Nhơn quyết định giao cháu Hưng cho anh Sơn trực tiếp nuôi dưỡng với lý do: Anh Sơn và chị Phương đều có điều kiện để nuôi con. Tuy nhiên, chị Phương đã có thêm một đứa con riêng, lại phải quản lý việc kinh doanh resort nên việc chăm sóc, giáo dục 3 đứa con đều còn nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, anh Sơn chưa lập gia đình, đang sinh sống tại Hà Nội, có điều kiện kinh tế cũng như chỗ ở và rất quý mến các con, muốn các con sống gần mình để an ủi, tạo động lực cho anh làm việc.
Như vậy, TAND TP.Quy Nhơn giao cháu Hưng cho anh Sơn đã không xuất phát từ lợi ích của đứa trẻ (cháu Hưng) như Luật Hôn nhân và gia đình quy định, mà lại xuất phát từ lợi ích của anh Sơn (cha đứa trẻ). Chỉ vì muốn các con ở với mình để an ủi, tạo động lực cho anh làm việc. Trong khi đó, trước khi xét xử, TAND TP.Quy Nhơn đã hỏi nguyện vọng của cháu Hưng là muốn sống với mẹ hay cha cháu, cháu Hưng trình bày rõ muốn sống với mẹ và em ruột. Đây mới là lợi ích của cháu Hưng.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 208 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 và Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC, việc lấy ý kiến con từ đủ 7 tuổi trở lên đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn là bắt buộc. Nếu cháu Hưng đã không đồng ý về sống với cha mình, mà muốn tiếp tục sống với mẹ và em ruột thì không có lý do gì tòa án lại giao cháu Hưng cho anh Sơn trực tiếp nuôi dưỡng. Nếu các điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ của vợ hoặc chồng là như nhau thì ý kiến và nguyện vọng của đứa trẻ muốn ở với ai là điều kiện tiên quyết để Tòa án quyết định giao cho ai nuôi.
Mặt khác, tòa án cấp sơ thẩm lấy lý do không cho cháu Hưng vào dự phiên tòa cũng cần phải xem lại. Vì ý kiến của cháu Hưng tại phiên tòa trước mặt cả cha và mẹ có ý nghĩa quyết định đến việc Tòa án giao cháu Hưng cho ai nuôi. Nếu không muốn cháu Hưng chứng kiến việc tranh cãi giữa cha và mẹ, ảnh hưởng đến tâm lý của cháu thì sau khi HĐXX hỏi ý kiến cháu Hưng, HĐXX có thể cho cháu ra khỏi phòng xử.
Tuy mới 10 tuổi, nhưng sau biết được quyết định của TAND TP.Quy Nhơn, cháu Hưng đã viết đơn cho TAND tỉnh Bình Định, nói rõ nguyện vọng của cháu và nếu tòa án cứ bắt cháu về ở với cha thì cháu sẽ bỏ nhà ra đi (!). Vậy mục đích của việc giao cháu Hưng cho anh Sơn nuôi dưỡng của TAND TP.Quy Nhơn có thỏa đáng ? Liệu quyết định của tòa án này có dẫn đến việc đẩy một đứa trẻ 10 tuổi đang có cuộc sống ổn định đi “bụi đời”? Đây là điều chắc chắn cả anh Sơn và chị Phương đều không mong muốn.
Điều đáng chú ý là tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX bác yêu cầu của anh Sơn. Hy vọng rằng, khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Định sẽ xem xét thấu tình, đạt lý, nhằm đảm bảo lợi ích của cháu Hưng
ĐINH VĂN QUẾ
(Nguồn: Báo Công An TP.HCM)